Doanh nhân, nghệ nhân Trần Văn Hợp – “Từ Điển” men Bát Tràng
Đó là cách gọi trìu mến mà bà con Làng gốm Bát Tràng dành cho anh Hợp. Trong “nghề buôn”, tên anh và thương hiệu Công ty Thiên Phước vẫn chưa “nổi”. Điều ấy rất dễ hiểu bởi anh thuộc con người của kỹ thuật. Cả cuộc đời anh chỉ say mê tìm kiếm, sáng tạo những chất men cho gốm.
Và hạnh phúc lớn nhất đã mỉm cười với anh, với những người làm gốm Việt Nam khi “cuốn từ điển men gốm” đã tìm ra bí quyết làm men kết tinh và men huyết dụ – những chất men đã làm nên sự nổi tiếng của gốm sứ Giang Tây -Trung Quốc, chất men mà nhiều đời làm gốm Bát Tràng, cùng các nhà nghiên cứu và chuyên gia về gốm sứ Việt Nam dầy công nghiên cứu vẫn đành phải bó tay.
Chúng tôi biết chuyên gia gốm sứ Trần Văn Hợp trong Lễ trao Giải Sáng tạo Khoa học – Công nghệ Việt Nam năm 2004. Anh là một trong số ít người đoạt giải Sáng tạo trong lĩnh vực Vật liệu mới, với đề tài: Nghiên cứu ứng dụng men màu (men kết tinh, men huyết dụ) cho gốm nặng lửa. Lần theo địa chỉ Làng gốm Bát Tràng, chúng tôi không mấy khó khăn tìm được đến phòng trưng bày sản phẩm của Công ty Thiên Phước do chính anh làm chủ. Dường như ở đây ai cũng biết đến anh, từ những người làm xe ôm, bán nước, cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ… đặc biệt, với những người sản xuất gốm luôn gắn với câu cửa miệng: ông Hợp “Từ điển men” chứ gì.
Tìm gặp anh dễ là vậy, trao đổi về men và kỹ thuật làm gốm thì anh rất say sưa nhưng khi chúng tôi đề cập đến chuyện viết sách Doanh nhân, anh từ chối thẳng thừng. Với kinh nghiệm của người trong nghề viết, chúng tôi hiểu đó là tính cách đặc trưng của những con người thuần chất kỹ thuật. Họ say sưa, bền bỉ đeo đuổi nghiên cứu và tự thấy hạnh phúc với thành quả mình tìm ra. Họ không muốn “rùm beng báo chí” như những nhà thương mại. Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn, anh mới tiết lộ” một số bài báo đã tự viết về anh. Anh tâm sự: “mình rất ngại xuất hiện trước công chúng, các nhà báo biết đề tài của mình nên đến tham quan, tìm hiểu và đăng bài”. Vâng, với mong muốn đưa những thành quả của một trong những đề tài mang tính bước ngoặt trong lịch sử gốm sứ Việt Nam và có lẽ rất quý cá tính con người kỹ thuật trong anh, chúng tôi lại “đánh liều” viết và đăng bài về anh như các nhà báo khác đã làm.
Có bài báo đã từng gọi anh Hợp là: người đốt tiền của vợ. Trong nghề làm gốm thì đốt và nung là những công đoạn hết sức quan trọng, nhưng “đốt tiền vợ” thì chưa mấy ai làm. Mà mới chỉ đọc tiêu đề bài báo, không tìm hiểu hết là rất dễ bị hiểu lầm sang khía cạnh khác…! Nhưng đúng theo con số mấy chục lần mày mò, “đốt lên, đốt xuống” để tìm men thất bại mới hiểu phần nào độ kiên trì ở con người anh. Và cứ theo cách tính sơ sơ của người trong nghề gốm thì mỗi lần “sập lò” của anh cũng tốn đến cả chục triệu đồng. Ngồi bên chúng tôi, mắt hút theo những chùm hoa như rơi tự nhiên trên nền bình hoa men kết tinh trong tay, anh kể: “Cái nghề làm gốm là khó hơn cả trong các ngành hàng thủ công mỹ nghệ.
Vẫn từ cùng những nguyên liệu, thành phần hoá học, kỹ thuật pha trộn và nung đốt cổ truyền nhưng các sản phẩm trong cùng một mẻ vẫn không hoàn toàn giống nhau, sản phẩm của mẻ trước luôn khác mẻ sau. Có những mẻ đầu tư không hết mấy vốn nhưng chỉ một sản phẩm hoàn hảo cũng đáng giá mấy chục triệu đồng; nhiều mẻ tốn khá tiền song gần như mất trắng. Để tạo ra những sản phẩm gốm độc đáo, phần lửa nung rất quan trong mà đôi khi vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của thợ đốt lò”. Nói đến “phần lửa nung”, anh dừng khá lâu và đôi mắt chợt bừng sáng. Đúng! Việc tìm ra lửa đã tạo nên bước ngoặt lớn đối với sự phát triển của loài người.
Chính người Trung Quốc đã biết cách dùng lửa để tạo nên sự độc quyền hàng ngàn đời nay của gốm sứ Giang Tây; vẫn cái công đoạn này mà nhiều đời làm gốm Bát Tràng, cùng các và chuyên gia về gốm sứ Việt Nam dầy công nghiên cứu vẫn đành phải bó tay. Và chìa khoá mở ra bí quyết thành công của chuyên gia gốm sứ Trần Văn Hợp nằm ở chỗ biết khống chế và kiểm soát ngọn lửa.
Trong sản xuất gốm sứ, việc trang trí sản phẩm đóng một vai trò lớn. Người ta thường vẽ, điêu khắc hoặc đắp nặn để làm đẹp sản phẩm. Sự độc đáo của men kết tinh và men huyết dụ lại không cần một trong những yếu tố ấy, tự nó đã tạo nên một cách trang trí có giá trị thẩm mỹ cao. Đỏ tươi, bóng láng, sâu thẳm là những đặc trưng của men đỏ hay thường gọi là men huyết dụ. Men huyết dụ rất nhạy bén với môi trường lửa nên cực kỳ khó làm. ở men kết tinh, một thế giới các loài hoa đồng màu như cùng bừng nở, đan quyện.
Đôi khi ta cảm nhận thấy cả một bầu trời bồng bềnh mây hoặc thấy vô số vì sao như đồng loạt sa xuống mầu nền xanh thẫm trên từng sản phẩm. Để tạo ra hoa thưa, người thợ đốt lò phải để ngọn lửa cháy cao; còn muốn hoa dầy chỉ để nhỏ lửa và có những khoảng thời gian rất ngắn, nhiệt độ phải được điều chỉnh với độ chênh lệch rất lớn từ 30oC đến 1500oC. Nhưng vẫn nói đến chuyện lửa, có lẽ hiếm người duy trì được “ngọn lửa” đam mê với nghề làm gốm, với việc bỏ cả cuộc đời và nhận nhiều thất bại để đi tìm men cho gốm như anh Hợp.
Nói ra thì có rất nhiều người vẫn không tin vì chuyên gia gốm sứ Trần Văn Hợp chưa kịp học qua một trường đào tạo chính quy chuyên ngành. Có thể vì lý do này mà khi anh tìm ra hai chất men quý nhưng vẫn có một số giáo sư đại học nghi ngờ cho là những sản phẩm anh đang có do nhập ngoại. Mặc dù anh không có điều kiện đến giảng đường học, tuy vậy “trường đời” của nghề gốm đã sớm dạy cho anh. Nói đúng ra thì anh được học và gắn bó với gốm từ khi mới sinh ra đời.
Cái chất nghề truyền thống của tổ tiên làng gốm Bát Tràng truyền cho đời ông, đời cha và lại dành trọn vẹn cho anh. Anh ngửi thấy mùi đất gốm ngay khi cất tiếng khóc chào đời. Và gốm theo anh trong từng lời ru của mẹ bên nôi. Thiệt thòi là ông cụ thân sinh ra anh đã từng là một tư sản chủ lò có tiếng ở Bát Tràng nhưng khi anh mới lớn, Nhà nước chủ trương công tư hợp doanh, anh đi làm công nhân cho một nhà máy gần nhà.
Khoảng thập kỷ tám mươi thiên niên kỷ trước, gốm Bát Tràng không đáp ứng được nhu cầu thị trường, nhiều người trong làng bỏ đi làm việc khác. Riêng anh khăn gói lặn lội vào Nam tìm đến các xưởng gốm, vừa làm vừa học kinh nghiệm. ít việc làm và lo tiền sinh sống, thời gian đầu anh làm việc trong xưởng ban ngày, tối về tranh thủ đạp xích lô kiếm thêm. Long đong, vất vả là vậy nhưng anh đã rèn được cho mình đức tính kiên trì, tư duy sáng tạo; đúc kết được nhiều bài học, kinh nghiệm quý về kỹ thuật làm gốm của người Nam Bộ; tìm hiểu và đưa công nghệ phun men hoàn toàn mới với công nghệ bôi men đang được sử dụng rộng rãi tại Viêt Nam lúc đó cùng với công nghệ đốt lò tuynen về cho làng gốm Bát Tràng.
Vừa tiếp chuyện chúng tôi, anh Hợp vừa cười và giới thiệu khi vợ anh mới về tới nhà: đây cũng là một thành quả rất lớn trong thời kỳ “Nam tiến” của đời tôi, cho Bát Tràng một cô dâu duyên dáng, giỏi kinh doanh, thông việc làng và đảm việc nhà. Hơn thế, nhiều lần chẳng những không cau có trước thất bại đốt lò tìm men của chồng mà còn động viên và đưa thêm tiền cho chồng “đốt tiếp”.
Để trở thành một trong những người hiểu sâu về kỹ thuật làm gốm, anh Hợp có một đam mê lớn là đọc và nghiên cứu sách. Theo anh, trong những nghề “cha truyền con nối”, kinh nghiệm cổ truyền đóng một vai trò quan trọng song để thực sự giỏi nghề và theo kịp sự biến chuyển thị trường gốm cần phải có kiến thức chuyên môn bài bản. Đọc sách thì rất dễ nhưng đọc để hiểu, ứng dụng và sáng tạo mới là việc khó. Sách về gốm của Việt Nam rất ít và sơ sài nên anh nhờ người tìm mua sách của nước ngoài.
Những cuốn sách của Pháp, Mỹ… đã mở cho anh tầm nhìn sâu rộng hơn về kinh nghiệm và công nghệ sản xuất gốm thế giới, đặc biệt về men. Đọc, biết nhiều, làm cho mình và luôn nhiệt tâm sẻ chia cho bà con sản xuất trong làng kỹ thuật về men, nên cái tên quen thuộc: “Từ điển men Bát Tràng” gắn với anh Hợp từ đó. Và cũng từ quá trình đọc ấy, anh thấy lợi ích của gas và là một trong vài người đầu tiên của Bát Tràng ứng dụng công nghệ nung lò gas vào sản xuất gốm.
Hiệu quả của công nghệ mới đã thu hút sự quan tâm của nhiều hộ sản xuất trong làng. Cùng với những nghiên cứu, thiết kế và chế tạo lò nung gas của các kỹ sư trong nước, từ những năm 1987, công nghệ nung gốm bằng lò gas đã dần thay thế phương pháp nung đốt bằng củi gỗ hay than truyền thống của Bát Tràng.
Tìm được ra men quý huyết dụ và men kết tinh là cả một quá trình “lao tâm, khổ tứ” của con người kỹ thuật, tuy vậy trong anh Hợp còn luôn canh cánh nghĩ đến “chỗ đứng” của gốm Bát Tràng trên thị trường. Tâm sự với chúng tôi, nét buồn thoáng hiện qua gương mặt dạn dày năm tháng của một người đã từng vừa làm thầy và làm thợ: “Để giữ được một làng nghề truyền thống như Bát Tràng trong tốc độ đô thị hoá của Thủ đô giai đoạn này thật là hiếm. Người dân trong làng ý thức rất rõ được điều ấy, lãnh đạo chính quyền lại càng hiểu hơn ai hết. Mấy năm trước đây, Công ty Thiên Phước theo đuổi dự án xin đất lập nhà máy ở Bát Tràng nhưng không hiểu vì cơ chế hay còn những lý do gì nữa… khiến thủ tục tiến hành rất chậm. Chờ đợi không được, tôi chuyển hướng xây dựng nhà xưởng tại Hưng Yên”.
Có thể quyết định đầu tư của anh là hoàn toàn đúng bởi khi nhà máy ở Hưng Yên của công ty đã đi vào hoạt động khá lâu thì những khu dự án tại Bát Tràng mới bắt đầu được khởi động. Hơn thế giá đền bù và thuê đất của Bát Tràng gấp hơn cả chục lần giá đất Hưng Yên. Và cho dù anh không định nói ra, chúng tôi cũng hiểu phần nào những rào cản cho sự phát triển sản xuất gốm tại Bát Tràng với quy mô lớn và giá thành từng sản phẩm cũng bị tăng do chi phí đầu tư ban đầu cao.
Sản xuất khó khăn là vậy song tìm được chỗ đứng vững cho gốm Bát Tràng trong thị trường cũng không phải là dễ. Mặc dù cái tên Bát Tràng đã trở nên quen thuộc, ngấm vào nếp nghĩ của nhiều người dân Việt Nam mỗi khi nói về gốm, tuy thế lượng gốm Bát Tràng tiêu thụ trong nước vẫn chưa cao.
Theo như anh Hợp, điều này xuất phát từ việc các nhà sản xuất và thương mại chỉ chú trọng tới thị trường xuất khẩu. Chính sự bỏ ngỏ thị trường nội địa nên gốm sứ của Trung Quốc lại có cơ hội thâm nhập. Và dù chất lượng, độ tinh xảo không thể theo kịp gốm Bát Tràng nhưng với chiêu thức dùng thương hiệu gốm Giang Tây, mở hàng loạt các cuộc triển lãm dài kỳ tại các thành phố lớn và chính sách “đại hạ giá”, các “ông chủ lớn” người Hoa đã đánh trúng tâm lý mua hàng của nhiều người Việt sính hàng ngoại. Chú trọng xuất khẩu là vậy song hình ảnh của làng gốm Bát Tràng trong con mắt của thế giới rất mờ nhạt và chất lượng gốm sản xuất tại làng còn thấp.
Theo sự đánh giá và xếp hạng của chuyên gia gốm sứ – Giáo sư Tiến sĩ John Mooney thì: các sản phẩm tốt nhất của làng gốm Bát Tràng được xếp vào loại chất lượng hàng đầu thế giới, nhưng những sản phẩm chất lượng tồi thì thậm chí còn tồi hơn rất nhiều so với những sản phẩm tương tự của nhiều nước khác.
Nguyên nhân của tính không đồng đều về chất lượng phần lớn là do thiếu tiêu chuẩn hoá trong quy trình sản xuất, thiếu công cụ kiểm nghiệm, thiếu kiến thức và việc đào tạo theo quy trình. Phần quan trọng nữa mà Thiên Phước cũng như các doanh nghiệp Bát Tràng đều vấp phải là ít có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu kiến thức về các khách hàng nước ngoài; hầu hết các sản phẩm sản xuất ra được bán trên thị trường thế giới đều thông qua người mua bán trung gian. Có lẽ những trăn trở của Doanh nhân Nguyễn Văn Hợp là suy nghĩ chung của những người tâm huyết với nghề gốm Bát Tràng.
Để bảo tồn gìn giữ được một di sản quý giá như Bát Tràng hôm nay, suốt dòng chảy hơn 500 năm “nung lò”, biết bao thế hệ và những nghệ nhân tài năng của làng đã không ngừng sáng tạo làm ra những sản phẩm gốm tinh xảo hàng đầu thế giới. Gánh vác trên vai sức nặng truyền thống hơn nửa thiên niên kỷ, anh Hợp và những người làm gốm của Làng Bát Tràng lại tiếp tục miệt mài tìm tòi những mẫu sản phẩm mới, chất men mới và thế đứng mới cho gốm Bát Tràng trên thị trường. Và chính trách nhiệm ấy mà suốt bao năm “đốt tiền”, anh không nghĩ đến một giải thưởng hay những bài viết ngợi ca. Ước mong đã thành hiện thực của anh là tìm ra những chất men quý – bí quyết tạo nên sự nổi tiếng của thương hiệu gốm sứ Trung Hoa và quyết tâm đưa gốm Bát Tràng trở thành niềm tự hào của dân tộc.